Trong hàng chục năm qua, xe chở quá tải đã băm nát và phá hỏng không biết bao nhiêu con đường của chúng ta. Trên thực tế, không một con đường nào, dù được xây dựng với chất lượng tốt bao nhiêu, có thể chịu nổi sự giày xéo của những chiếc xe chở quá tải từ 3-4 lần, thậm chí là đến hàng chục lần.
Vấn đề không phải là xe chở nặng sẽ phá đường, mà là xe chở quá tải sẽ phá đường. Một chiếc xe chở đúng tải thì chở đến 50 tấn cũng sẽ không phá đường, nhưng một chiếc xe có tải trọng 1 tấn thì chỉ cần chở đến 2 tấn là sẽ phá đường. So với những con đường có giá hàng chục ngàn tỉ đồng, thì sự tiết kiệm do chở quá tải mang lại nếu không phải là cái mắt muỗi thì là cái gì? Tìm kiếm lợi nhuận bằng cách chở quá tải chẳng qua là ăn vào các con đường của đất nước mà thôi.Nếu chúng ta vẫn tiếp tục làm đường chỉ để phá hỏng bằng cách chở quá tải như vừa qua thì làm sao có thể thoát khỏi gánh nặng của nợ công? Làm sao có thể tránh được tình trạng thâm thủng ngân sách?Xe chở quá tải còn làm méo mó các quan hệ kinh tế- thương mại của đất nước.
Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải hàng hóa không còn là trên cơ sở của chất lượng và hiệu quả, mà chủ yếu là nhờ vào khả năng chở quá tải và khả năng lo lót để có thể chở quá tải. Hệ quả tiếp theo là bộ máy công vụ có liên quan bị tha hóa, tham nhũng thả sức hoành hành. “Không chở quá tải, việc gì phải mãi lộ?”. Nhưng xe nào cũng chở quá tải vì vậy xe nào cũng phải tìm cách mãi lộ.
Ngoài ra, xe chở quá tải còn gây tai nạn. Những chiếc phanh được thiết kế cho xe chở 10 tấn, khó có thể có tác dụng khi nó chở đến 50 tấn. Nhiều khi, cho dù lái xe có cố đạp phanh, thì chiếc xe vẫn băng băng lao tới. Và tai nạn giao thông trong những trường hợp như vậy là hậu quả gần như đã được hoạch định từ trước. Đã có biết bao nhiêu cuộc đời bị tàn phế, biết bao nhiêu sinh mạng bị cướp đi! Làm sao chúng ta có thể tính được giá của những mất mát này?!
Chúng ta đã để xe chở quá tải hoành hành quá lâu. Chiến dịch xử lý xe quá tải lần này vì vậy phải làm thật kiên quyết và thật triệt để.
Theo laodong.com.vn