Trong năm 2015, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án lớn như xây dựng cầu vượt giảm ùn tắc các ngã rẽ, phân làn đường triệt để… nhưng Sở GTVT Hà Nội vẫn lo lắng tình hình giao thông phức tạp trong dịp tết nguyên đán sắp tới. Năm 2016 Hà Nội đặt mục tiêu giảm 8 – 10 điểm ùn tắc giao thông trong số 44 điểm ùn tắc giao thông năm 2015, không để phát sinh thêm các điểm ùn tắc mới và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
► Xem thêm: Cấm 30 tuyến phố vào đại hội Đảng XII
Để đạt được những kế hoạch đã đề ra, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng thêm 3 cầu vượt bằng thép tại các ngã tư: Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch, Bạch Mai – Lê Thanh Nghị và Quốc Lộ 5 – Trâu Quỳ. Giãn tần suất xe bus vào các khung giờ cao điểm. Đổi chặng xe bus với những chặng đường ùn tắc, cắt giảm bớt các điểm dừng xe bus….Bổ sung thêm đèn tín hiệu để chống ùn tắc giao thông. Thôi thúc các chủ đầu tư các dự án trọng điểm khẩn trương thi công hoàn thành công trình theo đúng tiến hành.
Cùng với đó là công tác quản lý quy hoạch, tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị trên radio, các nhóm diễn đàn, sách báo, truyền hình, qua hệ thống loa tại các nút giao thông trọng điểm; lên án những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, phá hoại kết cấu công trình giao thông.
Thành phố cũng sẽ đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng nếp sống “Văn hóa giao thông” và “Văn minh đô thị” thành những nội dung giảng dạy theo quy định trong các trường học. Cùng với đó là tổ chức các hội nghị tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nếp sống văn hóa giao thông cho đội ngũ lái xe buýt, taxi, xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng hoạt động trên địa bàn thành phố.
Trước đó, tại buổi giao ban báo chí cuối tháng 12/2015, ông Tạ Đức Giang – Phó Chánh văn phòng Ban ATGT Hà Nội cho biết, sau 3 tháng triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông, địa phương đã xử lý triệt để 8 điểm như Quốc lộ 5 – cầu Thanh Trì (Vành đai 3 trên cao), tuyến đường Vành đai 2 (Bưởi – Cầu Giấy), Quốc lộ 1B (Pháp Vân – Cầu Giẽ).
Trong năm 2016, Thành phố Hà Nội hướng tới mục tiêu giảm 5 – 10% TNGT đường bộ, đường sắt ở cả 3 tiêu chí gồm số vụ, số người chết, số người bị thương.