Quy hoạch vận chuyển đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng qua 8 tỉnh. Tuyến đường sắt dài 392 km từ Lào Cai đến Hải Phòng, tốc độ 160 km mỗi giờ và kết nối với đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc).
Ngày 12/3, ông Vũ Quang Khôi – Cục trưởng Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị này đang phối hợp với tư vấn Trung Quốc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, kết nối với đường sắt Hà Khẩu phía Trung Quốc; kinh phí nghiên cứu do Trung Quốc hỗ trợ.
Theo báo cáo của Viện khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn lập quy hoạch), tuyến đường hiện hữu từ Lào Cai đến Hải Phòng có tiêu chuẩn và năng lực thấp, vận tốc vận hành trung bình là 50 km mỗi giờ. Tốc độ cao nhất là 80 km mỗi giờ, không thể đáp ứng được các nhu cầu vận tải ngắn và dài hạn.
Mỗi ngày tại ga Yên Viên có hai chuyến tàu khách đi Lào Cai. Ảnh: Giang Huy. |
Tư vấn đã nghiên cứu 2 phương án là cải tạo đường hiện có thành khổ lồng (thêm khổ đường 1.435 mm) và giữ nguyên hiện trạng tuyến cũ, xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn 1.435 mm.
Qua phân tích ưu nhược điểm của từng phương án, tư vấn kiến nghị xây dựng tuyến mới với quy mô tuyến chính là đường sắt cấp I, đường đơn tốc độ chạy tàu thiết kế 160 km mỗi giờ, loại hình dẫn kéo điện lực, sử dụng trạm đóng tự động để đảm bảo an toàn.
Tuyến đường sắt dài khoảng 392 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) – Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành: Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ – Vĩnh Phúc – Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng, điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Trên tuyến có 73 cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130 km, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25 km; 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.
Ông Vũ Quang Khôi cho biết, trong quy hoạch ngành giao thông vận tải của Việt Nam có đề cập đến tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng song lâu nay chưa thực hiện được do thiếu vốn. Hiện quy hoạch đang đến giai đoạn báo cáo giữa kỳ và sẽ hoàn thành trong năm nay, sau đó Bộ Giao thông sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án trong năm tới.
Tại cuộc họp với tư vấn Trung Quốc đầu tháng 3, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu đơn vị này làm rõ quy mô, phạm vi, phân kỳ đầu tư các ga; tổng mức đầu tư, lộ trình xây dựng tuyến đường; phạm vi khu vực đầu tuyến kết nối với Trung Quốc, với Hải Phòng…
Theo ông, đây là tuyến quan trọng trong chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương tuyến đi qua, đặc biệt trong vận chuyển hàng hóa, kết nối giao thông, giao thương quốc tế.