Tập đoàn T&T và tập đoàn xây dựng hàng đầu của Pháp là Bouygues vừa ký kết hợp tác cùng nhau muốn đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nội đô khoảng hơn 1,4 tỉ Euro, và dự án tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy trị giá 250 triệu Euro tại Hà Nội.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của hai nước diễn ra trong khuôn khổ chuyến tham chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây, Tổng Bí thư và Tổng thống Pháp đã chứng kiến.
Sau chuyến đi, chia sẻ với báo giới ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT tập đoàn T&T, cho biết sự hợp tác giữa T&T và Bouygues có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ giữa hai tập đoàn mà còn mang tầm hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia. Tổng thống Pháp cũng đã đánh giá cao sự hợp tác giữa hai tập đoàn, cho rằng dự án này là biểu tượng đánh dấu mối quan hệ và hợp tác bền chặt giữa hai nước.
Ngoài ra, ông Hiển cho biết thêm các doanh nghiệp của Pháp đang rất muốn hiện diện mạnh mẽ, đầu tư vào các dự án lớn tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Việc hợp tác này sẽ mở ra một làn sóng đầu tư mới của các “ông lớn” Pháp vào Việt Nam thời gian tới.
Đây là 2 dự án có quy mô rất lớn và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của Hà Nội, trong đó tuyến đường sắt mà T&T đang nghiên cứu đầu tư có chiều dài 31,1km chạy dọc QL 32 nối trung tâm TP. Hà Nội với thị xã Sơn Tây (Nhổn – Trôi – Phùng – Vành Đai 4 – Sơn Tây). Tổng giá trị đầu tư vào dự án ước tính khoảng 1,4 tỷ Euro. Còn dự án sân vận động Hàng Đẫy sẽ thay da đổi thịt với khoản kinh phí 250 triệu Euro.
Ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ ” Chính phủ có chủ trương giao các dự án phát triển hạ tầng lớn cho các tập đoàn tư nhân lớn, có đủ năng lực và tiềm lực của Việt Nam đứng ra làm việc với các “ông lớn” nước ngoài. Nhà nước sẽ tạo cơ chế chính sách, và đương nhiên câu chuyện ở đây là cuộc chơi giữa hai doanh nghiệp. Vì thế cũng sẽ theo nguyên tắc song phẳng, WIN – WIN”
Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch T&T Group: Sẽ có làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam thời gian tới. Việc hợp tác giữa T&T và Bouygues là một minh chứng cho điều đó.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, ban đầu tập đoàn Bouygues đàm phán chỉ tham gia vào dự án ở khâu thiết kế, tư vấn và tổng thầu thi công…không tham gia việc thu xếp vốn. Tuy nhiên, T&T đã từ chối và đưa ra quan điểm nếu Bouygues đồng hành cùng dự án thì phải đưa thêm điều khoản hỗ trợ thu xếp vốn vào. Có như vậy mới có thể kéo theo các định chế tài chính lớn của Pháp đi theo. Sau khi xem xét đề nghị của T&T, tập đoàn Bouygues đã đồng ý “bắt tay” với T&T.
Tham vọng xây những công trình để đời
Cái bắt tay với tập đoàn hàng đầu của Pháp với doanh thu hàng năm lên tới 33 tỷ USD đã mở ra cơ hội lớn cho T&T. Nói như ông Đỗ Quang Hiển thì ngoài việc có sự hỗ trợ về vốn, T&T cũng sẽ học hỏi được rất nhiều thứ từ sự hợp tác này, đó là công nghệ, kinh nghiệm quản lý vận hành,…và đây là cơ hội để CBCNV của tập đoàn T&T học hỏi trong quá trình thực hiện dự án. Hơn thế nữa, việc bắt tay với các ông lớn nước ngoài như Bouygues cũng sẽ giúp cho T&T tạo nên những dự án tiếng tăm, để đời cho thế hệ mai sau.
Về dự án đường sắt đô thị, ông Hiển cho biết T&T đã tham gia đăng ký với Hà Nội cách đây khoảng 10 tháng cùng với một số doanh nghiệp khác. Một số đơn vị thiếu và yếu về năng lực đã bị loại.
“Đến nay chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho dự án. Đối với dự án đường sắt đô thị việc triển khai rất phức tạp, quy mô vốn lớn đòi hỏi phải có những tập đoàn lớn đi cùng. Vì thế, trước hết là việc chứng minh năng lực, sau đó là các công việc nghiên cứu khảo sát rất kỹ các vị trí trạm dừng. Công việc này TEDI hiện đang triển khai khảo sát, nghiên cứu rất kỹ. Nhưng, đối với những nghiên cứu về thiết kế kỹ thuật chi tiết thì phải cần đến những tập đoàn nước ngoài.” Ông Hiển cho biết thêm.
Cũng theo ông Hiển thì đây là dự án trọng điểm, có vốn trên 10.000 tỷ đồng nên phải báo cáo Thủ tướng và phải được Quốc hội thông qua, dự kiến sẽ trình vào tháng 6 tới. Hình thức đầu tư dự án là PPP, hợp đồng BT (tức là nhà nước sẽ bỏ tiền mua tàu và vận hành quản lý kinh doanh, doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư hạ tầng và được nhà nước trả đối ứng bằng quỹ đất). T&T cũng sẽ ký với Bouygues hình thức như vậy. Dự án được chia ra các giai đoạn, đầu tư theo lộ trình. Ban đầu sẽ thực hiện khoảng 6km.
Đối với dự án sân vận động Hàng Đẫy, ông Hiển cho biết hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Với việc hợp tác với Bouygues để đầu tư một tổ hợp sân vận động trị giá lên tới 250 triệu Euro (khoảng 307 triệu USD), thì đây sẽ là một quần thể sân vận động rất hiện đại, có kiến trúc đẹp mang tầm cỡ quốc tế.
“Đó không chỉ là một sân bóng đơn thuần mà còn tích hợp nhiều khu chức năng khác. Sân vận động sẽ có 4 tầng hầm, mặt bằng tầng 2 sẽ là sân cỏ, bên trên là khán đài có mái che với sức chứa khoảng 20 vạn khán giả. Ngoài ra, các tầng trên bao quanh khán đài được thiết kế là các khu vực văn phòng, thương mại sầm uất…tạo cho quần thể sân vận động rất hiện đại. Hiện trạng sân cũ cũng sẽ được mở rộng về phía đường Cát Linh, khu đất của Sở Kế hoạch và Đầu tư.” Ông Hiển nói.
Theo Trí thức trẻ